#001 | Tranh chấp về thanh toán công nợ

04/19/2021

 

Ngô Khắc Lễ

Chuyên gia tư vấn Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) 

Nợ và thanh toán nợ trực tiếp hoặc có bên thứ ba tham gia thanh toán là việc bình thường. Tuy vậy, không làm rõ và yêu cầu xác nhận phù hợp có thể dẫn đến tranh chấp phức tạp tuy số tiền không lớn như vụ kiện dưới đây để bạn đọc tham khảo.    

Tóm tắt nội dung 

Một Công ty Giao nhận (Nguyên đơn) và một Công ty Thương mại (Bị đơn) ký kết Hợp đồng giao nhận vận tải (Hợp đồng), theo đó, Bị đơn thuê Nguyên đơn vận chuyển hàng hóa. Từ tháng 12/2018 đến tháng 5/2019, đã phát sinh 20 đơn hàng, theo đó, Nguyên đơn đã cung cấp dịch vụ vận chuyển theo Hợp đồng và Bị đơn đã thanh toán một phần các đơn hàng. Ngày 20/3/2019, các bên ký biên bản xác nhận công nợ - Bị đơn xác nhận nợ Nguyên đơn 418.232.151 đồng. Ngày 30/6/2019, Nguyên đơn và Bị đơn ký biên bản xác nhận công nợ tiếp theo, theo đó, Bị đơn xác nhận còn nợ Nguyên đơn 243.647.948 đồng. Sau khi xác nhận công nợ, Nguyên đơn nhiều lần yêu cầu Bị đơn thanh toán nhưng vô ích . Vì vậy, Nguyên đơn đã kiện Bị đơn tại trọng tài, ngoài các yêu cầu khác, để đòi số tiền nợ gốc 243.647.948 đồng, tiền lãi chậm thanh toán 25.524.178 đồng. Sau đó, Nguyên sửa đổi nợ gốc là 193.647.948 đồng  và tiền lãi là 44.019.304 đồng.

Quan điểm của các bên  

Bị đơn cho rằng số công nợ 243.647.948 đồng là không chính xác do bao gồm cả công nợ 23.184.000 đồng của Công ty thứ ba. Do đó, Bị đơn chưa thanh toán, đồng thời yêu cầu Hội đồng Trọng tài triệu tập Công ty thứ ba tham dự Phiên họp với tư cách là người làm chứng. Bị đơn còn cho rằng, số tiền 23.184.000 đồng được ghi trong Giấy báo có thực chất là tiền của Bị đơn trả cho Nguyên đơn nhưng bị ghi nhầm là của Công ty thứ ba. Để chứng minh cho lập luận này, Bị đơn nộp: (i) tài liệu là ảnh chụp giao dịch ngân hàng với số tiền 23.184.000 đồng được chuyển từ tài khoản của một người là người lao động của Bị đơn cho Nguyên đơn; (ii) Hợp đồng lao động giữa Bị đơn và người lao động này; và (iii) Bản tường trình của Công ty thứ ba về số nợ 23.184.000 đồng. Bị đơn cho rằng 23.184.000 đồng là do người lao động của Bị đơn trả nên phải được trừ vào số nợ gốc. Do đó, số nợ gốc không phải là 193.647.948 đồng mà chỉ là 193.647.948 – 23.184.000 = 170.463.948 đồng.

Bị đơn không chấp nhận cách tính tiền lãi vì cho rằng hai bên đã thống nhất gia hạn thanh toán các khoản nợ đến hết tháng 7/2019 theo công văn của Bị đơn số 108/2019, nghĩa là Nguyên đơn đã đồng ý cho hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán, do vậy, thời gian hoãn không bị tính tiền lãi theo khoản 2 Điều 354 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó “…Việc thực hiện nghĩa vụ khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn”.

Nguyên đơn trình Giấy báo có (của ngân hàng) và cho rằng số nợ của Công ty thứ ba đã được thanh toán và do đó, không liên quan đến vụ tranh chấp này. Giấy báo có thể hiện số tiền 23.184.000 đồng được chuyển cho Nguyên đơn với nội dung là Công ty thứ ba trả tiền vận chuyển. Nguyên đơn còn nộp bản chụp email trao đổi giữa các Bên như sau: i) email ngày 19/06/2019: “… kế hoạch thanh toán tháng 06.2019 như sau: 1. Từ ngày 26-27: TT 23,4 triệu công nợ… [Công ty thứ ba]; 2. Ngày 28 thanh toán 100 triệu…” (ii) email ngày 09/07/2019: “… chiều nay… [Bị đơn] đã đi khoản thanh toán … [Công ty thứ ba] 23 triệu, còn khoản 100 triệu bên mình sẽ cố gắng thanh toán trong tuần này…”.  Vì vậy, Nguyên đơn cho rằng 23.184.000 đồng nhận được ngày 10/7/2019 là khoản thanh toán của Công ty thứ ba nên không liên quan đến công nợ của Bị đơn.

Về tiền lãi, tại công văn ngày 23/4/2019 phúc đáp công văn của Bị đơn số 108/2019, Nguyên đơn nêu rõ chỉ đồng ý đề xuất của Bị đơn về việc gia hạn đến hết tháng 7/2019 với các điều kiện: “Phía… [Bị đơn] có trách nhiệm thanh toán dần tối thiểu 100 triệu mỗi tháng (cho các tháng 5, 6, 7/2019) Nếu quá thời hạn trên vẫn chưa thanh toán xong toàn bộ khoản nợ theo lộ trình đã nêu, … [Nguyên đơn] sẽ tiến hành truy thu lãi suất phát sinh theo đúng quy định tại Hợp đồng giữa hai bên cho tất cả các khoản nợ quá hạn …” nhưng Bị không thực hiện.

Phán quyết Trọng tài

 Về số nợ gốc, Hội đồng Trọng tài nhận thấy tại Biên bản xác nhận công nợ Bị đơn đã xác nhận khoản nợ 243.647.948 đồng. Đơn khởi kiện đã yêu cầu đúng số tiền 243.647.948  đồng. Ngoài ra, Biên bản này còn thể hiện công nợ 23.184.000 đồng của Công ty thứ ba và ghi riêng biệt với khoản nợ của Bị đơn. Do đó, lập luận của Bị đơn là không có cơ sở. Cũng vì lý do này, Hội đồng Trọng tài nhận định Công ty thứ ba không liên quan đến Vụ tranh chấp nên không triệu tập họ.  Hội đồng Trọng tài cho rằng chứng cứ và lập luận của các bên  đều nhằm xác định việc Công ty thứ ba có thanh toán 23.184.000 đồng cho Nguyên đơn hay không. Tuy vậy, do Công ty thứ ba không phải là một bên trong Vụ tranh chấp nên Hội đồng Trọng tài không xem xét, kết luận về vấn đề này.

 Vấn đề cần làm rõ là 23.184.000 đồng có phải do Bị đơn trả cho Nguyên đơn về công nợ giữa hai Bên hay không. Các tài liệu, chứng cứ nêu trên không đủ để chứng minh điều này. Do đó, Hội đồng Trọng tài bác bỏ lập luận của Bị đơn.  Trên cơ sở việc ký kết và thực hiện Hợp đồng, việc xác nhận công nợ giữa các Bên và các quy định của pháp luật, Hội đồng Trọng tài xác định Bị đơn có nghĩa vụ thanh toán cho Nguyên đơn. Do đó, yêu cầu của Nguyên đơn về số nợ gốc 193.647.948 đồng là có căn cứ và được Hội đồng Trọng tài chấp nhận.

Về số tiền lãi 44.019.304 đồng, khoản 2 Điều IV của Hợp đồng quy định: “Thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản sau 35 ngày kể từ ngày chốt công nợ. Nếu quá thời hạn trên bên A sẽ phải trả lãi quá hạn 1.4%/ tháng trên tổng số tiền còn nợ lại”. Thỏa thuận này phù hợp với quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005.  Các chứng cứ cho thấy Bị đơn đã không thực hiện đúng yêu cầu của Nguyên đơn, do đó, việc gia hạn thời hạn thanh toán không được Nguyên đơn chấp nhận. Vì vậy, việc đòi tiền lãi chậm trả là có cơ sở và  số tiền lãi theo Sổ chi tiết công nợ (44.019.304 đồng) được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Kết luận: Phán quyết Trọng tài chấp nhận một phần các yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, buộc Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn số tiền nợ gốc là 193.647.948 đồng, và tiền lãi chậm trả là 44.019.304 đồng.  

Lưu ý

Các khoản nợ và thanh toán nợ trực tiếp hoặc có bên thứ ba tham gia cần được ghi chép rõ ràng, chi tiết và có xác nhận cụ thể để tránh tranh chấp hoặc tạo thành chứng cứ thuyết phục khi ra Tòa án/Trọng tài ngay cả trong khi quan hệ giữa hai bên còn đang tốt đẹp./.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của chuyên gia độc lập và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của VIAC hay cơ quan, tổ chức nào. Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến tài liệu này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI